Vài nét về “Đất nước phía Nam, Phía Nam đất nước”, dự án nghệ thuật cộng tác giữa Ga 0, Việt Nam, và Nhà Máy Ngoài Luồng, Đài Loan
Nguyễn Như Huy,
Giám đốc nghệ thuật Ga 0
Ý tưởng chính của dự án
Mặc dù giữa Việt Nam và Đài Loan đã có một số sự kiện trao đổi mang tính ngoại giao trên bề mặt, nhưng giữa hai nước vẫn chưa có một mối quan hệ thực sự về mặt văn hóa và nghệ thuật. Dự án này hướng tới mục tiêu xây dựng một mối quan hệ thật sự giữa nghệ thuật đương đại Việt Nam và Đài Loan. Thông qua những thực hành nghệ thuật đương đại với sức mạnh vượt sâu qua bề mặt của sự vật để đặt ra những câu hỏi không chỉ về xã hội mà còn về chính thân phận con người như một thực thể mang tính xã hội và có khả năng xã hội hoá, chúng tôi - những người tổ chức tin rằng dự án có thể xây dựng một chiếc cầu thực sự về mặt văn hóa để kết nối nghệ sĩ và công chúng của cả Việt Nam và Đài Loan.
Chủ đề mang tính diễn ngôn của dự án này là Thành phố. Vậy thành phố là gì? Liệu đó có phải là một sự tụ tập mang tính xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị dưới hình thức một thực thể có đặc thù riêng về kiến trúc? Nếu nhìn dưới góc độ này thì tất cả các thành phố trên thế giới cũng chỉ quy lại ở một điểm chung là mô hình kiến trúc nhắm tới việc tạo điều kiện dễ dàng hơn để trao đổi hàng hóa trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thành phố không chỉ là những thực thể mang tính chức năng, thay đổi ngày qua ngày để trở thành những mô hình giống hệt nhau nhằm tới một mục tiêu duy nhất là phục vụ một nền văn hóa mang tính hàng hóa mà thành phố còn là nơi cư ngụ của con người. Chính con người sống trong thành phố, với những ký ức, nỗ lực, và cảm xúc khác nhau và thông qua chính những ký ức, nỗ lực và cảm xúc khác nhau ấy đã thay đổi thành phố từ một thực tế mang tính chức năng sang một bảo tàng của những ký ức, giấc mơ khác nhau của các cá nhân, và tạo thành tâm hồn của thành phố. Chính vì lẽ đó mà thành phố không chỉ là một thực thể mang tính đồng căn (cách dùng chữ của Rem Koolhaas), mà còn là một địa bàn để khám phá sự bí mật, sự riêng tư của các không gian đa nghĩa, và hơn hết là những mâu thuẫn văn hóa bất tận. Chính hai điều này đã tạo ra lý do cho sự tồn tại của con người trên thế giới này.
Như vậy, dự án án này là về thành phố, nhưng không phải theo ý nghĩa bề nổi của từ này, mà là về thành phố trong tưởng tượng, trong ký ức, và trong những lập luận về thành phố. Cái gì là hiện thực của một thành phố? Với chúng tôi, nó không phải là một điểm hội tụ mang tính tái trình hiện đến từ những tiền giả định cứng nhắc về mặt thị giác. Trái lại, hiện thực của một thành phố hẳn phải là những khám phá đầy ngạc nhiên và khác biệt, thậm chí mẫu thuẫn với nhau được phơi lộ (một athelea) ra dưới dạng một dasein ngay vào thời điểm chúng ta dẫn thân và thế giới này. Thông qua đó, chúng ta không chỉ thắp sáng thế giới, mà còn thắp sáng chính sự tồn-tại-của-trong-thế- giới của chúng ta. Mục tiêu của dự án chính là mở ra khả năng cho sự khám phá/phơi lộ/thắp sáng ấy, không chỉ cho đối tượng được khám phá/phơi lộ/thắp sáng (ở đây là thành phố), mà cho chính chủ thể của hành động khám phá/phơi lộ/thắp sáng ấy.
Cấu trúc của dự án:
Hai không gian nghệ thuật độc lập là Ga0 (thành phố HCM, Việt Nam) và Nhà Máy Ngoài Luồng(Đài Nam, Đài Loan) mỗi nơi lựa chọn 06 nghệ sĩ trong những lĩnh vực nghệ thuật đương đại khác nhau. Sáu nghệ sĩ này sẽ được chia thành hai nhóm, một nhóm là những nghệ sĩ khách mời, và một nhóm là những nghệ sĩ chủ nhà.
Trong khoảng thời gian 3 tháng từ tháng 9/2012 tới 11/2012, ba nghệ sĩ khách mời của Việt Nam sẽ tới làm việc tại Howl Space tại Đài Nam, Đài Loan và đổi lại, ba nghệ sĩ khách mời của Đài Loan sẽ tới làm việc tại Ga0 tại thành phố HCM, Việt Nam.
Mỗi nghệ sĩ khách mời sẽ làm việc với một nghệ sĩ chủ nhà của nước bạn trong một tháng để tạo ra một sản phẩm cộng tác trên đề tài mang tính diễn ngôn chung của cả dự án là thành phố. Như vậy, sẽ có tất cả 6 sản phẩm khi dự án hoàn tất (3 sản phẩm tại Đài Loan và 3 sản phẩm tại Việt Nam), được triển lãm trong hai triển lãm tại Đài Loan và Việt Nam. Các triển lãm sẽ đi kèm với một catalogue sinh động về các sản phẩm cộng tác và văn bản.
Để làm rõ thuật ngữ “cộng tác”
Trong tiếng Việt, thuật ngữ “collaboration” thường được dịch theo hai cách “hợp tác” hoặc “cộng tác”. Nếu “hợp tác” thường được hiểu là làm việc cùng nhau- làm việc dựa trên một quá trình mang tính hy sinh của hai hoặc nhiều hơn các bên đối tác, nhằm tạo ra một kết quả dễ chịu và có tính thương lượng cho các bên, thì “cộng tác” có thể được hiểu là quá trình làm việc chung của hai hay nhiều đối tác mà ở đó họ vẫn không thay đổi tiếng nói và tầm nhìn riêng, sao cho kết quả cuối cùng không bị rút gọn đi mà vẫn giữ lại tính cộng hợp. Ở đây, những tiếng nói và tầm nhìn khác nhau của các thành viên tham gia đều giữ nguyên sự mạnh mẽ, bất chấp một số điểm thương lượng cần thiết trong quá trình làm việc chung.
Với chúng tôi, cách dịch thuật ngữ “collaboration” thành “cộng tác” trong tiếng Việt có thể được coi là điểm sáng trong ý tưởng về thông dịch văn hóa của Homi Bhabha được trình bày trong bài phỏng vấn “Không gian thứ ba” với Rutherford Jonathan (Tuyển tập Identity, community, culture, difference, do Rutherford Jonathan biên tập, in năm 1990, NXB Lawrence and Winshart, pp.207-221).
Trong cuộc phỏng vấn này, Homi Bhabha đã đề cập tới cái gọi là “không gian thứ ba”. Không gian thứ ba này, theo Homi Bhabha, là một địa bàn trung gian, xuất hiện từ sự xung đột giữa các tính vô ước của văn hoá. Chính trong địa bàn trung gian này một hình thức quan hệ giữa những tính sai biệt sẽ xuất hiện; đó là sự thông dịch văn hoá.
Homi Bhabha hiểu hình thức thông dịch này “ Không theo cảm thức chặt chẽ của sự thông dịch ngôn ngữ, như kiểu dịch một cuốn sách tiếng pháp sang tiếng Anh, mà theo kiểu một motive của phép chuyển nghĩa như cách Benjamin Walter đề nghị cho hành vi chuyển vị nghĩa ngôn ngữ”. Sự thông dịch ở đây, theo Homi Bhabha, được phát triển từ ý tưởng gốc của Benjamin Walter, “cũng là một cách mô phỏng, song theo một cảm thức vi phạm, thay thế, tức một sự mô phỏng một bản gốc theo một cách mà quyền tiên khởi của bản gốc không được củng cố mà thực tế là nó có thể bị đội lốt, sao chép,, chuyển hoá, chuyển dời, bị biến thành một bản thế vì, v.v., và v.v.”
Chúng tôi, các giám tuyển của dự án, muốn nhìn nhận thuật ngữ “collaboration” theo cách hiểu và dịch sang tiếng Việt thành “cộng tác”, chứ không phải “hợp tác”, và quan trọng hơn cả, nhìn nhận nó dưới ánh sáng của ý tưởng về sự thông dịch văn hoá như được tóm tắt sơ sài ở trên.
Như vậy, với dự án cộng tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Đài Loan này, chúng tôi hy vọng sẽ trở nên một điều kiện khả thể cho các sự thông dịch văn hoá. Không chỉ mỗi trong 6 dự án nghệ thuật cộng tác nhỏ do mỗi trong 6 cặp nghệ sĩ cộng tác Đài Loan và Việt Nam đều đề nghị một địa bàn phong nhiêu cho các sự thông dịch văn hoá kiểu đó ( không chỉ là sự thông dịch từ nghệ sĩ đến nghệ sĩ, từ nghệ sĩ đến các không gian nghĩa mới, mà còn từ chính các không gian nghĩa mới mẻ đó thông dịch ngược trở lại phía các nghệ sĩ), mà toàn bộ 6 dự án cộng tác cũng nhất định sẽ trở nên một khu vực lớn lao của mọi sự thong dịch khả hữu, và nhờ đó, đề nghị một số lượng lớn các giọng điệu và viễn kiến khác nhau, tức những gì có thể làm giàu có cho công chúng, không chỉ từ Việt Nam và Đài Loan, mà còn các công chúng ở bất cứ đâu trên thế giới có điều kiện xem triển lãm.
Đất nước phía Nam, phía Nam đất nước- Trở thành kẻ quan sát lịch sử một lần nữa
Nobuo Takamori
Giám đốc Nhà máy Ngoài Luồng
Đất nước phía Nam
Trong vai trò là không gian cho dự án, Đài Nam và TP Hồ Chí Minh đều đang phơi bày bản thân trong một vài bộ dạng có tính hương xa sau khi các chính phủ thực dân đã ra đi. Chúng cũng tạo ra một điểm nhìn về địa văn hoá- “Phía Nam của đất nước phía Nam”. Quan viễn này về “Phía Nam” chính là một phiên bản châu Á của quan điểm của Edward Said về “Đông phương luận”. Trong cấu trúc lịch sử của Đông Á, quan điểm cũ có tính dĩ Hoa vi trung đã loại thải mọi khả thể hiện hữu của bất kì “trung tâm” nào khác ngoài Trung Hoa. Dưới văn cảnh văn hoá này, Việt Nam trở nên “đất nước phía Nam” ( tiểu Trung Hoa), và Đài Loan chỉ có thể trở nên một miền đất chưa được khai hoá (Huawaizhidi [ Hoá ngoại chi địa]). Sau khi kế thừa từ tinh thần chủ thiên hạ của Trung Hoa truyền thống và với quan điểm của nhà thực dân châu Âu, Nhật Bản coi Đông Nam Á, bao gồm cả Đài Loan và Việt Nam, như thể các nền tảng phong nhiêu cho đế chế tương lai. Nhạt Bản đã nhấn mạnh quá mức sự quan trọng có tính chiến lược và số lượng của nguồn mạch kinh tế nơi “Nam quốc”. Tuy nhiên, dưới tiến trình của sự nhấn mạnh quá mức, một mặt, văn hoá bản địa Đông Nam Á đã bị xem nhẹ nghiêm trọng. Văn hoá bản địa Đông Nam Á trở nên biểu tượng cho sự chưa khai hoá và phát triển kém. Người Pháp sử dụng mẫu quan điểm tương tự này về văn hoá bản địa đối với Đông Dương. Sau thế chiến II, cả Đài Loan và Việt Nam trở nên các vai diễn trong chiến tranh lạnh. Chúng trở thành chiến trường nhiệt đới cho các quan điểm khác nhau về chính trị. Sau sự sụp đổ của cấu trúc chiến tranh lạnh,thậm chí cả khi Đài Loan và Việt Nam đều sắm vai trò năng động trong thị trường toàn cầu, nền văn hoá của cả hai quốc gia này vẫn bị định vị tại một ngóc ngách ngoại biên quá xa dưới đế chế văn hoá toàn cầu.
Mối quan hệ về kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan là khá chặt-rất nhiều nhà đầu tư từ Đài Loan đầu tư vào Việt Nam trong một số năm gần đâ. Nhờ mối quan hệ này và nhờ khoảng cách địa lí gần gũi, sự kết hôn giữa người Việt Nam và Đài Loan trong những năm gần đây cũng đã nở rộ. Xã hội Đài Loan buộc phải chấp nhận sự hiện hữu của nhóm chủng tộc thứ 5, Những người nhập cư mới ( một nửa số họ là từ Việt Nam).
Tuy nhiên, sự hiểu nhau về mặt văn hoá vẫn còn quá sơ sài và không đầy đủ. Cấu trúc giáo dục truyền thống của Đài Loan đặt cơ sở trên lịch sử văn hoá Trung Hoa, và chút ít chất liệu từ Nhật Bản. Sự giáo dục này còn đã bỏ qua các khu vực châu Á khác, thậm chí cả những quốc gia láng giềng ( Philipines, Vietnam, Korea).
Về sự phát triển của nghệ thuật đương đại Đài Loan, việc đi vào được văn cảnh phương Tây trở nên một điều kiện/dấu chỉ thành công trong phạm vi giới nghệ thuật ở đây. Song số phận của các tác phẩm kiểu này là hoàn toàn không chắc chắn. Phương Tây hoàn toàn không có sự hiểu biết cơ sở về Đài Loan, đặc biệt về lịch sử và truyền thống tôn giáo. Thậm chí Đài Loan cũng chẳng có được không khí “hương xa”, để có thể trở thành một “quốc gia hương xa” trong mắt phương Tây.
Trong Hán tự, “Nam quốc” (南國) bao gồm hai chữ, “南” ( Nam) và “國” ( quốc). Sau khi kết thúc thời kì chữ “Nam” bị nhìn nhận là một thuộc địa hương xa, và là một diễn viên trên sân khấu chiến tranh lạnh, chúng tôi bị buộc phải thảo luận về chữ “quốc”. Quốc ở đây không đơn giản là một chủ dề chính trị hay sự tưởng tượng của những người theo thuyết quốc gia. Thay vào đó, đây chính là một tiến trình chủ thể hoá các chủ đề văn hoá bản địa dưới các cấu trúc hậu chiến tranh lạnh và hậu thuộc địa. Tuy nhiên tiến trình cấu trúc này phải đối mặt với rất nhiều sự khó khăn, bao gồm lịch sử phức tạp và vô số các trải nghiệm khác nhau của sự nhìn và bị nhìn. Sự tái cấu trúc lịch sử nghệ thuật của Đài Loan và Việt Nam chắc chắn phải trải qua các trận chiến và các sự lặp lại cái nhìn của kẻ khác. Thông qua tiến trình này, chúng ta có lẽ sẽ có cơ hội để sản tạo một dạng nghệ thuật đương đại độc đáo, đặt cơ sở trên nhiều quan điểm lịch sử khác nhau, nếu chúng ta không bị chìm lạc vào văn hoá toàn cầu (Gói văn hoá phương Tây mới mẻ chính là văn hoá tiêu thụ) trong chuyển động đương đại mới mẻ này của chúng ta.
Phía Nam đất nước
Phần thú vị nhất của dự án này la việc chúng tôi sẽ thực hiện dự án tại các thành phố ngoại biên của các đất nước ngoại biên. Đài Nam từng là thủ đô xưa của Đài Loan. Ở đó chồng lớp các dấu vết của Hà Lan, những người nhập cư Trung Hoa, và thực dân Nhật. Song từ kỉ nguyên của nhà Kim tới thời thuộc địa Nhật Bản, lõi cốt chính trị đã đi chuyển từ Đài Nam tới Đài Bắc. Mặc dù Đài Nam chất chứa một lượng lớn các nguồn mạch lịch sử và văn hoá, nó đã bị ngoại biên hoá một cách nghiêm trọng bởi tiến trình hiện đại hoá của Đài Loan vào thế kỉ 20. Tuy nhiên bất chấp tình trạng ngoại biên này, Đài nam vẫn sở hữu rất nhiều quan điểm khác về hành động. Đài Nam và khu vực phía Nam Đài Loan luôn sở hữu các quan điểm về chính trị khác với Đài Bắc. Công dân Đài Nam luôn sẵn sàng bảo quản và tái sử dụng các di sản quá khứ. Thậm chí, một số lượng lớn nghệ sĩ, các nhà thiết kế, và kiến trúc sư đã chuyển về Đài Nam do chi phí đắt đỏ tại Đài Bắc và tìm cách tái tạo một mạng lưới mới ở Đài Nam.
Thành phố HCM lại là một trải nghiệm ngoại biên kiểu khác. Tiến trình phát triển của TP Hồ Chí Minh có vẻ gần gũi với tiến trình đó ở Đài Bắc hơn là Đài Nam. Sau sự xuất hiện của người Pháp, thành phố ngoại biên, Sài Gòn (nay là TP HCM) trở thành một căn cứ địa của hiện đại hoá của Việt Nam. Vị thế cốt lõi này tiếp tục cho tới năm 1975, tức vào thời điểm chính phủ Nam Việt Nam sụp đổ. Cho tới nay, mặc dù TP HCM sắm vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, quan điểm hay ý hệ chính trị về phong cách sống của phía Nam vẫn khác với Hà Nội, nơi được coi là trung tâm chính trị xã hội của quốc gia. Và trạng thái ngoại biên về chính trị này đã giúp phát triển một trong những mạng lưới nghệ thuật đương đại quan trọng nhất ở Việt Nam. Bất chấp việc Đài nam và TP HCM có những địa vị ngoại biên khác nhau trong lịch sử, chính các địa vị ngoại biên này cũng tạo ra một kiểu dạng tự do mới, tức điều thúc đẩy nghệ thuật phát triển mà vẫn tránh được các hiệu ứng của cả thị trường và cả định chế chính thống
Chúng tôi hy vọng dự án này có thể tạo nên các giá trị cốt lõi nơi địa vị ngoại biên của vị trí ngoại biên. Quan điểm lịch sử hoá phức tạp cần phải có những sự trao đổi đa dạng để trở nên rành mạch. Các chất liệu đa văn hoá hỗn tạp cần những sự trao đổi gần gũi để được tập trung. Ở nơi dự án trao đổi này, các nghệ sĩ trẻ sẽ được tạo điều kiện để trao đổi các kí ức văn hoá và lịch sử. Họ sẽ buộc phải truy tìm kinh nghiệm của bản thân mình từ các khung cảnh và văn cảnh xa lạ. Chúng tôi tin rằng dự án này chính là một dạng thí nghiệm, và do đó, sẽ trở nên một trong những tiến trình quan trọng cho sự phát triển văn hoá tại Đài Loan và Việt Nam, và thậm chí xa hơn, của châu Á. 12 nghệ sĩ tham dự dự án này đến từ các lãnh vực thực hành khác nhau, như nhiếp ảnh, nghệ thuật video, kiến trúc, trình diễn, phim tài liệu, và hội hoạ. Chúng tôi hy vọng dự án này không chỉ là các thảo luận xuyên/liên văn hoá, mà còn là một thí nghiệm xuyên/liên chất liệu. Nghệ sĩ sẽ buộc phải đố mặt với môi trướng không quen thuộc bằng chính cơ thể, sự cảm nhận không gian, và các chiều kích kinh nghiệm hình ảnh cũ của mình. Và kết quả của dự án sẽ là 6 tác phẩm/dự án, tức những gì mang đem các trao đổi văn hoá và các cấu trúc kinh nghiệm khác nhau. Chúng tôi hy vọng các tác phẩm này có thể làm giàu có công chúng của cả hai nước, và tiến trình của dự án có thể được duy giữ như một điểm mốc quan trọng cho các dự án trao đổi của nghệ thuật châu Á đương đại.
Nguồn:
Thêm thông tin về dự án tại đây:
No comments:
Post a Comment