Saturday, October 12, 2013

Warhol qua lời Warhol ( trích từ những tuyên bố vô đề từ 1963- 1978)

Andy Warhol (Người Mỹ, 1928 – 1987) từng học nghệ thuật tại Học viện công nghệ Carnege từ 1945 tới 1949. Vào năm 1952, ông chuyển tới New York, nơi ông làm việc với vai trò là một nghệ sỹ thương mại và nhà thiết kế đồ họa cho Bonwitt Teller và "Glanour ". Ông bắt đầu vẽ những chi tiết của các nhân vật tranh truyện vào đầu thập kỷ 60. Bức tranh mô tả những lon Soup campbell vào năm 1962 và những bức tranh theo lối in lụa về những nhân vật Holywood của ông, sau này đã trở nên những thánh tích của Pop Art. Trong khi miêu tả chân thực chân dung của văn hóa Mỹ, Warhol đã cố kìm giữ lại các bình luận mang tính đạo đức hay xã hội. Giống như nhiếp ảnh gia Mỹ Weegee trước đây, đối với Warhol những hình ảnh mang vẻ quyến rũ hay thảm họa đều chỉ là những chủ đề không phân biệt và là nội dung của văn hoá hàng hóa. Sự thích thú của ông trước những sản phẩm đại chúng đã dẫn tới việc ông biến cải studio của mình thành một nhà máy, thành một dây chuyền sản xuất tạo ra những tranh in lụa, film, điêu khắc và cuối cùng là những cuộc phỏng vấn, các tạp chí đưa tin ba xu, những chiều hứơng chính trị, và đời sống của những người nổi tiếng. Warhol đã sử dụng bản thân như thể một thứ máy móc mà ông mong muốn trở thành. Trong sự lặng lẽ, Warhol đã cố gắng cô chiết lại tất cả mọi vẻ dạng bên ngoài của cái cá tính độc lập trong nghệ thuật của mình. Một cách nghịch lý, cái sách lược này của ông lại đã sản sinh ra những hình ảnh mang tính biểu trưng không chỉ của cái anh hoa và định dạng của Warhol mà còn của chính thời đại ông.
-----


Lon soup Campbell


Nếu ai muốn hiểu Warhol, chỉ cần nhìn vào bề mặt: của các bức tranh, của các bộ phim, và của chính Warhol. bề mặt ấy chính là tôi đó. Chẳng có gì ở phía sau chúng đâu.

...


Tôi đánh giá mọi thứ chỉ qua bề mặt, theo kiểu sờ vào chữ nổi của người mù. Tôi rờ lướt tay tôi trên bề mặt của tất cả mọi thứ


...

Lý do tôi vẽ theo cách mà tôi đang vẽ, là bởi tôi muốn trở thành một cái máy, và tôi cho rằng bất kể điều gì tôi từng làm và đã làm giống như máy – chính là những điều tôi muốn làm.

...


Tôi thích những thứ chán ngắt. Tôi thích những thứ giống hệt nhau và lặp đi lặp lại mãi mãi


...


Người ta trích vô số lần câu nói của tôi: "Tôi thích những thứ chán ngắt". Ừ, tôi đã nói thế đấy, và tôi thực nghĩ thế đấy. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là tôi không chán các thứ ấy. Tất nhiên, cái sự chán của tôi, không giống với sự chán của mọi người. Tôi thì tôi cóc thể nào chịu nổi các show hành động trên TV, bởi chúng, về bản chất, luôn có những cốt truyện giống nhau, khuôn hình giống nhau, cắt cúp giống nhau, và cứ thế, cứ thế lặp đi lặp lại. Một cách rõ ràng, hầu như mọi người luôn thích xem những thứ có cốt giống nhau, dù cho, các chi tiết thì khác. Nhưng tôi thì ngược lại; Nếu tôi phải ngồi và xem một thứ giống như thứ tôi đã xem đêm trước, thì tôi muốn nó không chỉ giống về mặt căn cốt bên trong, mà còn phải giống hệt toàn bộ. Bởi càng xem nhiều lần những thứ giống nhau một cách chính xác bao nhiêu, thì ý nghĩa của những thứ ấy mất đi bấy nhiêu, và người ta ngày càng cảm thấy các thứ ấy thú hơn và rỗng hơn.
...


Tôi coi bản thân mình như một nghệ sỹ Mỹ. Tôi thích ở đây. Tôi nghĩ ở đây thật tuyệt vời. Thật kỳ thú. Tôi cũng thích làm việc ở châu Âu thế nhưng tôi sẽ không làm việc giống như ở đây. Tôi sẽ làm những thứ khác. Tôi cảm thấy, bằng nghệ thuật của mình, tôi là đại diện cho nước Mỹ. Thế nhưng tôi không phải là một nhà phê bình xã hội. Tôi vẽ những thứ mà tôi đang vẽ là bởi những thứ ấy là những thứ mà tôi hiểu nhất. Tôi chẳng hề tìm cách chỉ trích nước Mỹ, tôi cũng chẳng tím cách khoe ra những điều xấu xa. Tôi chỉ là một nghệ sỹ thuần khiết, tôi nghĩ thế. Nhưng tôi không thể nói liệu có phải tôi coi bản thân mình là nghệ sỹ một cách nghiêm túc không. Tôi chưa từng nghĩ về điều đó. Dù vậy, tôi không biết người ta nghĩ sao về tôi.




Các hộp xà phòng Brillo
...


Tôi tôn thờ nước Mỹ và đây là một vài bình luận về nó. Bức tranh của tôi (Storm Door, 1960) chính là một bản nghị luận về những biểu tượng vô cá tính và chói lóa cũng như những mục tiêu vật chất thô láo mà nước Mỹ đang tạo nên ngày nay. Đó là sự tôi vinh bất cứ thứ gì có thể mua và bán, là các biểu tượng mang mấu sắc thực dụng và phù du đang thể thể hiện bản thân người Mỹ chúng ta.


...


Điều tuyệt diệu về đất nước này là nước Mỹ, từ truyền thống, đã là một nơi mà kẻ giấu nhất, cũng mua đúng những thứ mà kẻ nghèo nhất mua. Người ta xem TV, và thấy Coca Cola, và người ta có thể thấy tổng thống cũng uống Coke, Liz Taylor cũng uống Coke,và rồi họ bỗng nghĩ, Ơ, thế mình cũng có thể uống Coke nhỉ. Coke là Coke và chẳng có thể có tiền nào có thể làm lon Coke của bạn ngon hơn lon Coke của gã thất nghiệp đang uống ở góc phố. Các lon Coke đều giống nhau và tất cả các lon Coke đều ngon. Lyz Taylor biết thế, ngài tổng thống biết thế, gã thất nghiệp biết thế, và cả bạn nữa, bạn cũng biết thế.


...


Mọi người cho rằng Brecht (Belton) muốn tất cả mọi người nghĩ giống nhau. Tôi cũng muốn mọi người nghĩ giống nhau. Nhưng Brecht muốn làm thế, nói một cách nào đó, thông qua chủ nghĩa cộng sản. Nước Nga lại muốn làm thế thông qua chính quyền. Nhưng ở đây, tất cả những gì đang diễn ra thì lại là do tự thân chứ chẳng do một chính quyền độc đoán nào ép buộc cả. Như vậy, nếu chẳng cần gì phải nỗ lực, thì sao sự giống nhau của mọi người lại cần tới sự thúc ép của chủ nghĩa cộng sản nhỉ. Tất cả mọi người đều giống hệt nhau trong hành động và vẻ ngoài, càng ngày càng thế.


...


Kinh doanh nghệ thuật là bước đầu tiên để dẫn tới nghệ thuật thương mại. Còn tôi thì bắt đầu như một nghệ sỹ thương mại (Comercial Artist), và muốn kết thúc như một nghệ sỹ kinh doanh (Business Artist). Sau khi tôi làm nên một thứ gọi là "nghệ thuật" hoặc gọi là gì cũng được. Tôi sẽ bắt đầu kinh doanh nghệ thuật. Tôi muốn trở nên một nhà kinh doanh nghệ thuật hay một nghệ sỹ làm kinh doanh. Làm kinh doanh giỏi là dạng nghệ thuật kỳ diệu nhất. Trong kỷ nguyên Hippy, mọi người ghê tởm ý tưởng kinh doanh – Họ bảo "Tiền thật ghê tởm" hay "Kinh doanh là việc xấu", Thế nhưng, với tôi làm ra tiền là một nghệ thuật và kinh doanh giỏi là thứ nghệ thuật cao nhất.


...


Khi tôi đã phải bắt đầu nghĩ ngợi, tôi biết ngay là bức tranh đã hỏng. Và phủ keo hay tô mầu đều là hình thái của suy nghĩ. Bản năng của tôi về hội họa mách bảo: "Khi mày không nghĩ ngợi, thì đó là lúc mày thành công". Những khi bạn quyết định và lựa chọn, là những khi sai hỏng. Và càng có nhiều quyết định, thì càng hỏng tợn. Một vài người, vẽ trừu tượng, ngồi và nghĩ ngợi bởi việc nghĩ giúp họ cảm thấy là họ đang làm gì đó. Thế nhưng, Nghĩ ngợi chẳng bao giờ giúp tôi có cảm giác là lao động. Leonardo da Vince đã từng thuyết phục những người bảo trợ rằng thời gian suy nghĩ của ông ta là vô cùng giá trị – thậm chí còn giá trị hơn thời gian vẽ. Có lẽ điều này đúng cho ông ta, thế nhưng tôi nghĩ rằng sự ngẫm ngợi của tôi thì chỉ đáng vứt đi. Tôi chỉ khoái được trả tiền cho thời gian "làm" mà thôi.


...


Tôi cũng vẫn để ý tới mọi người xung quanh, thế nhưng, thật là dễ sống hơn hẳn nếu chẳng cần quan tâm tới họ. Tôi không muốn trở nên quá gần gũi. Tôi không thích sờ chạm, đó là lý do cho việc tác phẩm của tôi rất xa cách với bản thân tôi


...


Nếu không phải là một cái đẹp chung cho mọi người, thì chẳng bao giờ có cái đẹp riêng nào


...


Trong tương lai, mỗi người đều có thể nổi tiếng thế giới 15 phút


...




Chân dung Marilyn Monroe

Tôi không cảm thấy rằng tôi đang thể hiện những biểu tượng Sex chính yếu của thời đại chúng ta trong các bức tranh của tôi, như bức vẽ Marilyn Monroe hay Elizabeth Taylor. Tôi chỉ coi Monroe như một kẻ bất kỳ. Còn về việc ngừơi ta nói tính chất biểu tượng của Monroe đã được thể hiện qua cách dùng mầu sắc bạo lực – thì thật ra với tôi, tôi dùng các mầu ấy đơn giản chỉ vì các mầu ấy đẹp, cũng như vì cô ấy đẹp, và cái mầu đẹp ấy là để diễn tả cái đẹp của cô ấy, tất cả chỉ có thế. Còn một điều khác nữa, bức tranh Monroe là một phần của loạt tranh những người quá cố (Death series) mà tôi đã thực hiện. Loạt tranh về chân dung những người chết theo nhiều cách khác nhau. Chẳng có lý do sâu sắc nào hết khi khi thực hiện loạt tranh này, đừng có nghĩ theo kiểu: "hẳn đây là những nạn nhân của thời đại họ" hay gì khác. Ở đây, chỉ có những lý do bề mặt mà thôi.

...


Viết về loạt "Death series":


Tôi đoán đây là một bức hình chụp vụ tai nạn máy bay lớn, trên trang nhất của báo; 129 người chết. Lúc này, tôi cũng đang vẽ các khuôn mặt của Marrilyn. Và tôi đã nhận thức ngay rằng tất cả những chân dung tôi vẽ sẽ là những chân dung của người đã chết. Lúc đó là vào ngày giáng sinh hay Labor Day thì phải – đó là vào một kỳ nghỉ. Và cứ khi bật đài lên thì đều được nghe những thông báo kiểu như: "4 triệu người đang sắp chết". Và thế là "Death series" được bắt đầu. Thế nhưng khi nhìn đi nhìn lại những bức tranh khủng khiếp nhiều lần, thì có vẻ như cái ấn tượng ghê gớm lại chẳng còn mấy





Một trong những tác phẩm của loạt Death series
...


Trên con đường phía Viễn tây mà tôi đã đi (Tới California, mùa thu 1967), Mọi thứ trên đường cao tốc đều toát ra vẻ Pop. Thế rồi bỗng nhiên chúng tôi "đốn ngộ" ngay lúc ấy. Bởi dù cho Pop đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tất cả mọi thứ đều mang dáng vẻ của nó. Hầu hết mọi người đều chấp nhận nó, thì tuy nhiên, với chúng tôi, đây là lần đầu tiên chúng tôi bị lóa mắt về nó. Và một khi đã được truyền tâm ấn "Pop", người ta sẽ không bao giờ trở lại cuộc đời cũ nữa. Khi bạn đã sống "Pop", bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thấy nước Mỹ như cũ nữa. Như kiều vào khoảnh khắc bạn đóng nhãn cho một vật nào đó, bạn sẽ không bao giờ còn cơ hội thấy lại cái vật đó như kiểu trước khi bị đóng nhãn. Chúng tôi đã phát hiện ra tương lai, và chúng tôi chắc chắn về cái tương lai ấy. Chúng tôi thấy rằng, mọi người đang lơ ngơ xung quanh cái tương lai ấy, thế nhưng, bởi vẫn còn đang tư duy trong trạng thái quá khứ, họ đã không có khả năng nhận ra tương lai ấy. Thật ra, tất cả những gì mà bạn phải làm là ý thức được rằng bạn đã ở trong cảnh giới của tương lai. Và ở đây, mọi huyền thoại đã hết, nhưng những điều kỳ diệu thì chỉ mới bắt đầu


...


Các nghệ sỹ Pop thực hiện những hình ảnh mà bất kỳ ai khi đang bươc xuôi đại lộ Broadway đều có thể nhác thấy trong nửa giây – Các hình ảnh truyện tranh (comic), các bàn tiệc, quần nam giới, tủ lạnh, những lon Coke – tất cả những đồ vật hiện đại tuyệt đẹp mà bọn Biểu lộ trừu tượng [Abstract expressionists] đang chật vật cố gắng để không thèm nhìn.


...


Nếu bạn ý thức được, bạn sẽ thấy cái phòng kho trong căn hộ của bạn chính là một bảo tàng


...


Điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể nghĩ tới là film, bởi tính chất ba chiều về vật lý và tính chất hai chiều (tương tác) về cảm xúc của nó


...


Mọi bộ phim của tôi đều có tính chất nhân tạo, nhưng không chỉ thế, tất cả mọi thứ tôi làm đều có tính chất ấy, và tôi không biết khi nào thì tính chất này sẽ dừng lại để cho cái tự nhiên bắt đầu


...


Những gì tôi đưa ra, trước hết, là sự mới mẻ, những chủ đề tự do hơn, và và cái nhìn về con người trong hoàn cảnh hiện đương. Và thậm chí các bộ phim của tôi cũng không có sự đánh bóng về kỹ thuật. Ấy thế mà mãi cho tới tận năm 1976, chỉ có ở những địa điểm ngoài luồng, người ta mới có thể được nghe về những chủ đề cấm hay được xem những hình ảnh về đời sống hiện đại.





...

Tôi cho là phim nên gợi ra những thích khoái về nhục dục. Có nghĩa là, như tôi thấy, cách mà đời sống đang diễn ra hiện tại đang làm mọi người quá xa biệt với nhau. Phim ảnh nên khuấy động người ta. Những bộ phim Holywood hầu hết chỉ được làm với mục đích thương mại. Blue Movia thì còn tạm được. Thế nhưng nó đã không được làm với mục đích khiêu dâm – Nó chỉ là một bài tập, hay một thử nghiệm mà thôi. Tôi thực sự nghĩ là phim ảnh nên khuấy động chúng ta, nên làm chúng ta hứng khoái với người khác, nên kích dục

...


Trước khi tôi bị bắn, tôi đã luôn nghĩ là tôi chỉ đang sống một nửa ở đây mà thôi – Tôi luôn nghi ngờ là, không biết liệu có phải là tôi đang sống thực không, hay trọn vẹn mọi sự chỉ là một màn ảnh TV. Mọi người đôi khi nói rằng, các chuyện diễn ra trên TV là giả, thế nhưng thật sự thì cái cách mọi việc xẩy tới cho bạn trong đời thực thì còn giả hơn. Các bộ phim luôn gây nên những xúc cảm nặng và thực, thế còn khi các sự việc trong đời thực xẩy ra với bạn, nó lại có vẻ thoảng ảo như trên TV – bạn chẳng cảm thấy gì hết. Ngay lúc tôi bị bắn và từ đó trở đi, Tôi đã ngộ ra rằng, thật ra là tôi đang xem TV. Kênh, thì có lẽ đã chuyển, thế nhưng, vẫn đài truyền hình ấy. Khi bạn thực sự dính dấp vào một việc, thường là bạn sẽ nghĩ về những việc khác. Khi tôi thức dậy từ cơn bất tỉnh tại một nơi mơ hồ nào đó – tôi đã không biết rằng, đó là bệnh viện, và chính Bob Kennedy cũng bị bắn vào ngày sau khi tôi bị bắn – Tôi đã nghe những lời lạ lùng về việc hàng ngàn người tụ tập tại nhà thờ thánh Patrick để cầu nguyện và đưa tang, và rồi tôi đã nghe thấy chữ " Kennedy ". Thế rồi chữ ấy mang tôi trở lại với thế giới TV một lần nữa bởi với nó, tôi đã nhận thức, Ồ, chính là tôi đây này chứ không ai hết, kẻ đang nằm trong đớn đau.


...


Các cuộc phỏng vấn đều giống với việc ngồi trong một cái xe Ford tại hội chợ quốc tế rồi chạy lòng vòng trong khi bên tai vẫn nghe ai đó đang lảm nhảm bình luận. Tôi đã luôn cảm thấy rằng ngôn từ của tôi thật ra, đã đi ra ngoài từ một nơi nào phía sau lưng tôi chứ không phải từ tôi. Người phỏng vấn chỉ nên đề nghị những gì mà anh ta muốn tôi nói và tôi sẽ lặp lại theo anh ta. Tôi nghĩ rằng thật là tuyệt khi trở nên rỗng và chẳng thể nghĩ ra cái quái gì để nói cả.


...


Bây giờ và sau này có ai đó sẽ tố cáo tôi là quỷ dữ – về việc để cho mọi người tàn phá bản thân trong khi chỉ đứng ngoài quan sát, chỉ quay phim và thu băng họ. Nhưng tôi không nghĩ tôi là quỷ – tôi chỉ là người thực tế. Tôi đã học từ khi còn bé là bất cứ lúc nào tôi có ý định chủ động và cố gắng yêu cầu mọi người làm này hay làm nọ, thì chẳng có gì xẩy ra hết. Tôi được học rằng bạn sẽ có nhiều quyền lực khi câm mõm lại, bởi vì ít nhất, đó là cách làm mọi người tăng bản thân họ lên. Khi mọi người đã sẵn sàng, họ sẽ tự thay đổi. Họ chẳng bao giờ làm điều ấy trước khi sẵn sàng. Và đôi khi, họ chết trước khi đạt tới sự sẵn sàng đó. Bạn không thể làm họ thay đổi nếu họ không muốn, còn nếu như họ đã muốn, thì chẳng ai có thể cản họ lại


...


Rất nhiều người nghĩ, tại nhà máy nghệ thuật của tôi, tôi có bao nhiêu là đệ tử và người hâm mộ vây xung quanh, rằng tôi là một thứ gì đó vô cùng hấp dẫn mà vì thế, mọi người bu đến để xem. Thế nhưng không, tuyệt đối trái lại: Tôi là kẻ tìm tới với người khác.Tôi chỉ trả tiền thuê nhà, và rồi mọi người tới chỉ bởi cánh cửa nhà tôi luôn rộng mở. Mọi người chẳng có thích thú gì khi nhìn tôi đâu, họ thích nhìn nhau đấy, họ đến là để xem xem ai là người sẽ đến nữa.


...


Tôi cho là tôi thực sự đánh mất sự diễn giải về "công việc". Bởi tôi nghĩ rằng, ngay sống thôi, cũng đã chính là vô số việc mà người ta phải làm rồi – dù cho không muốn. Sinh ra đời cũng giống như là bị bắt cóc vậy. Và rồi bị bán vào kiếp nô lệ. Mọi người phải làm việc mỗi phút mỗi giây. Cái máy đã luôn luôn chạy, thậm chí vào lúc người ta ngủ.


...


Khi tôi chết, tôi không muốn để bất kỳ thứ gì ở lại. Tôi muốn biến mất. Vào lúc đó mọi người sẽ không nói là "hắn đã chết", mà nói "Hắn biến rồi". Thế nhưng tôi không thích ý tưởng mọi người biến thành tro bụi vĩnh viễn. Thật tuyệt diệu nếu một ngày được đầu thai thành một cái nhẫn trên ngón tay của Elizabeth Taylor


...


Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi việc tại sao khi chết, người ta không tiêu biến hết, và tất cả mọi thứ vẫn tồn tại y như cũ, chỉ có bạn là không góp mặt mà thôi. Tôi luôn nghĩ tôi thích ngôi mộ của tôi sẽ trống trơn. Không văn bia, không tên tuổi. Ồ, thật ra, tôi nói bịa chơi thôi mà.



©Như Huy
Người dịch: Nguyễn Như Huy 

No comments:

Post a Comment